(Mask) - Cả hai anh chàng đều phải khổ sở vì rơi vào “bẫy tình” của cô đào hát Ba Huyền. Trương Minh Cường không chỉ bị cô bỏ rơi mà còn bị tình địch của cô “xử”, còn Cao Minh Đạt thì tán gia bại sản vì chết mê chết mệt cô ta….
Đó là câu chuyện của nhân vật do Trương Minh Cường và Cao Minh Đạt đảm nhận trong bộ phim truyện truyền hình tâm lý xã hội dài 30 tập Lòng dạ đàn bà ( dựa theo một số truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh như “Lòng dạ đàn bà”, “Dây oan”) do Hồ Ngọc Xum đạo diễn, Công ty Tâm Điểm sản xuất vừa hoàn tất phần hậu kỳ để lên sóng trên HTV9 lúc 18h từ ngày 3/12/2011. Ngoài hai chàng diễn viên nói trên còn có sự tham gia của một dàn sao trẻ Vân Trang, Ngọc Lan, Cẩm Linh, Ca sĩ Nam Cường, Anh Đào, Ca sĩ Trung Hậu, Ca sĩ Đông Dương, Phương Hằng…
Một bộ phim đáng xem
Câu chuyện bắt đầu với những lục đục trong gia đình hội đồng Lê Tấn Thành ( Cao Minh Đạt). Từ quê Mỹ Tho, điền chủ Lê Tấn Thành lên Sài Gòn để nhận một chức vị trong Hội đồng quản hạt thành phố, theo kế hoạch của người vợ Kim Diệp ( Ngọc Lan) mong muốn người chồng không chỉ giàu có mà còn phải có quyền thế. Lê Tấn Thành lọt vào một âm mưu “bẫy tình” do cô đào Ba Huyền (Vân Trang) dưới sức ép của tên chồng vũ phu Bảy Thẹo giăng ra. Thanh Thủy ( Cẩm Linh), ái nữ của ông Cả Hớn ở đồn điền mía là bạn học của Kim Diệp đã phát giác ra âm mưu của Bảy Thẹo nên báo động và dàn cảnh để Kim Diệp lên thành phố mặt đối mặt với Lê Tấn Thành. Ba Huyền, ban đầu với mục đích đen tối “vòi tiền bạc” Lê Tấn Thành, nhưng sau vài tháng chung sống ngắn ngủi, cô đem lòng cảm mến điền chủ trẻ tuổi này. Sự việc “trăng hoa” vỡ lỡ, Ba Huyền phải trốn theo Bảy Thẹo về dưới Vĩnh Long giấu tông tích (Bảy Thẹo bị cảnh sát truy lùng về những hoạt động bảo kê, giang hồ, trong đó có vụ bẫy tình Lê Tấn Thành). Về phần Kim Diệp, cô bị bẽ bàng vì chồng “trăng hoa”.
Mặc dù sau đó chồng đã hối hận, Kim Diệp vẫn rắp tâm trả thù, dần dần bộc lộ bản chất một phụ nữ thực dụng đến mức quá quắt. Kim Diệp lừa Tấn Thành để sang đoạt gần hết sản nghiệp của chồng, sau đó lập kế hủy hôn thú, và dắt con gái nhỏ Minh Nguyệt (Anh Đào) theo mình. Kim Diệp trở thành vợ của Hội đồng Quỳnh giàu sụ. Thanh Thủy ngỡ giúp được bạn, nhưng bất ngờ trước lòng dạ hiểm sâu của Kim Diệp nên cũng nhạt dần mối quan hệ. Lê Tấn Thành buồn rầu, bỏ quê lên một xóm lao động ở Sài Gòn, được bà con trong vùng tôn trọng và gọi là “ông Cử” (không một ai biết tông tích thật của Tấn Thành). Trong khi đó, Ba Huyền khi trở về Vĩnh Long đã gặp lại “mối tình đầu” - đó là thầy thông ngôn Phan Thanh Nhãn ( Trương Minh Cường). Vài năm trước đó, Ba Huyền và Nhãn đã thệ nguyện với nhau, nhưng sau khi Nhãn đi học xa, Ba Huyền bị cha và mẹ kế ép phải lấy Bảy Thẹo để trả nợ… Bén duyên xưa, Ba Huyền và Nhãn có đôi lần âm thầm gặp gỡ nhau. Bảy Thẹo phát hiện, lồng lộn sai đệ tử đi “xừ” tình địch. Trước tình thế ngặt nghèo, Ba Huyền liều lĩnh thực hiện kế hoạch độc dược trong thức ăn để triệt hạ Bảy Thẹo. Vào giờ chót, Ba Huyền suy nghĩ lại: cô chuyển đĩa món ăn có độc dược về phía mình và đẩy đĩa món ăn an toàn cho Bảy Thẹo dùng, nhưng Bảy Thẹo sinh tâm nghi ngờ nên tráo đổi hai đĩa lần nữa, thành ra Bảy Thẹo thấm chất độc khi dùng bữa mà chết. Dù là ngộ sát (chứ không cố sát), Ba Huyền bị Tòa xử án, tống giam.
Thời gian dần trôi…Bà Kim Diệp cho người đi truy tìm tông tích Tấn Thành, vì Minh Nguyệt (con gái của Kim Diệp và Tấn Thành) đến tuổi lập gia đình. Theo luật, Minh Nguyệt cần một giấy cho phép đính hôn của cha ruột. Qua đó, “ông Cử” chạm trán trở lại với Kim Diệp, với những gay cấn nổ ra liên tục giữa hai người. Vì thương con gái, cuối cùng, “ông Cử” đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Minh Nguyệt gá duyên với trạng sư Thái Duy Càng ( Ca sĩ Nam Cường) .“Ông Cử” đi làm mướn cho một tiệm gỗ của bà Hòa ( Ca sĩ Trung Hậu) cách nhà của Thanh Thủy không xa lắm. Tình yêu của Thanh Thủy đã làm cho “ông Cử” không còn định kiến đối với “lòng dạ đàn bà”…
Tâm sự của người làm phim
Diễn viên Kim Thanh Thảo - Người điều hành sản xuất bộ phim cho biết: “Thời gian qua, Hãng phim TFS đã thành công khi chuyển thể một loạt tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh lên phim truyền hình như : Chúa Tàu Kim Quy, Con nhà nghèo, Ngọn cỏ gió đùa, Nợ đời, Cay đắng mùi đời, Tình án, Tại tôi… Có thể nói, đây là một tín hiệu vui của phim Việt đang “đuối” những kịch bản hay. Công ty sản xuất phim Tâm Điểm là đơn vị tư nhân tiên phong đi theo xu hướng này. Bộ phim Lòng dạ đàn bà nói về xã hội của những năm 1930 nên khâu chọn bối cảnh, thiết kế và may hơn 300 bộ trang phục, casting diễn viên đã được chuẩn bị cách đây hơn một năm. Bối cảnh phim quay hầu hết ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long…nên cả đoàn làm phim phải làm việc rất cật lực để có được một sản phẩm đầu tay chinh phục khán giả…”
Lòng dạ đàn bà giàu chi tiết đậm chất “nhân tình thế thái”, éo le, đậm sắc thái ngôn ngữ, tập quán, phong tục ở Nam Bộ những thập niên đầu thế kỷ 20. Thông qua câu chuyện về cô đào Ba Huyền, cùng một số nhân vật phụ nữ khác với biết bao hệ lụy rối rắm nhưng đem lại nhiều gợi ý hữu ích về giá trị cuộc sống và làm nổi bật về đạo lý sống ở đời.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết: “Lòng dạ đàn bà đề cập đến những thái cực trong tâm lý phụ nữ : có những toan tính sắc sảo, lạnh lùng đến mức tàn nhẫn rợn người. Bên cạnh đó lại có những tấm lòng độ lượng, bao la đến mức ngỡ ngàng xúc động. Làm thế nào để sự độ lượng, bao la trở thành âm hưởng chủ đạo trong đời sống ? Trả lời cho câu hỏi này, chính là chủ đề của bộ phim”
Diễn viên Vân Trang vào vai cô đào Ba Huyền (Lý Thục Huyền) tâm sự: “Vai diễn đã thu hút tôi bởi nhân vật có nhiều đất để tung hoành. Đây cũng là vai diễn giúp tôi “lột xác” so với các vai diễn trước đây. Có thể nói, những bài học về nhân nghĩa, đạo lý của người Việt đất phương Nam đã trở nên hấp dẫn, sinh động hơn vì tôi được “hóa thân” vào số phận, hành động của nhân vật này” . Cả hai diễn viên Trương Minh Cường, Cao Minh Đạt cũng hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Đây cũng là lần thứ hai Trương Minh Cường và Cao Minh Đạt đóng phim từ truyện của Hồ Biểu Chánh, sau Tại tôi và Con nhà nghèo.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ thêm: “Khi thực hiện một bộ phim được chuyển thể từ truyện, điều tôi đòi hỏi là nó phải giữ được nội dung cốt lõi, không làm mất đi tính văn lên phim là một việc làm không đơn giản, bởi lẽ giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ phim, cũng như những bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, tôi rất cố gắng để đưa đến khán giả một món ăn ngon nhất”.
Song Minh