NHẠC DÂN CA TRỞ LẠI
Thời gian gần đây, nhạc thị trường gần như bão hòa. Các ca sĩ của dòng nhạc này có xu hướng chuyển sang hát dân ca. Có thể coi đây là tín hiệu vui hay không khi suốt thời gian dài, nhạc dân ca chỉ tồn tại âm thầm, bền bỉ trong một bộ phận công chúng? 360 SàiGòn đã có cuộc trao đổi thú vị với những nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi của dòng nhạc dân ca…
360 Sài Gòn: Đứng trên phương diện một nhạc sĩ, ông nghĩ sao về chất lượng các ca khúc được gọi là “nhạc dân ca” hiện nay?
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Bản chất âm nhạc rất sang trọng. Nhạc dân ca không chỉ sang trọng mà còn mang tính nhân văn. Muốn viết được nhạc dân ca trước tiên phải thẩm thấu cái hồn âm nhạc dân tộc. Sau đó là kết hợp kiến thức âm nhạc với ca từ chọn lọc. Sáng tác nhạc dân ca (đúng hơn là nhạc mang âm hưởng dân ca) không thể dễ dãi. Nhưng hiện nay, nhiều bài hát rất ẩu về ca từ, nội dung và đề tài đơn điệu, lời của bài này giống lời bài khác…
360 Sài Gòn: Một ca khúc dân ca cần đạt những điều kiện gì để sống được trong lòng công chúng?
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Nhạc dân ca giúp ta thư giãn, trở về với sự an tĩnh của tâm hồn nên lời ca phải thực sự hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc, diễn tả bằng ngôn từ trong sáng và giàu hình tượng. Muốn có người nghe, nhạc sĩ phải có tác phẩm xứng đáng, người hát phải nghiêm túc, đúng bài bản, hiểu ý tứ và thả hồn theo từng nốt nhạc. Người nghe cũng phải có những trải nghiệm nhất định trong cuộc sống mới cảm nhận hết được cái hay của bài hát.
Ca sĩ Đông Đào: Mỗi bài hát như một bức tranh quê hương. Hát dân ca là hát bằng trái tim, bằng ký ức, bằng tình yêu quê hương đất nước. Càng hát, càng thả hồn vào bài hát mới thực sự cảm thấy cái hay, cái đẹp trong mỗi ca từ… Ngoài ra, ca sĩ phải được trời phú cho một làn hơi dài để luyến láy. Hát dân ca khác với nhạc trẻ ở chỗ luyến láy rất nhiều…
Ca sĩ Trung Hậu: Người có bản lĩnh lắm mới dám theo đuổi dòng nhạc dân ca. Ca sĩ phải khổ luyện rất nhiều, nhất là thanh nhạc. Ngoài việc hát “tròn vành rõ chữ”, ca sĩ phải thể hiện bằng tất cả tâm hồn mình, để mỗi lời ca có thể truyền cảm hứng, chuyển tải tình yêu quê hương tới khán giả.
360 Sài Gòn: Hiện nay có nhiều ca sĩ trẻ xuất thân từ dòng nhạc thị trường chuyển sang hát nhạc dân ca. Các nghệ sĩ đánh giá sao về xu hướng này?
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Trào lưu này kéo theo sự ảnh hưởng của phong cách nhạc trẻ. Nhạc dân ca bây giờ cũng dần lạm dụng kỹ thuật âm thanh thay cho nhạc cụ dân tộc truyền thống như đàn bầu, đàn tranh, nhị… Kỹ thuật vi tính dù hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế những âm sắc tuyệt vời phát ra từ nhạc cụ và nghệ sĩ thể hiện nó.
Ca sĩ Đông Đào: Các ca sĩ trẻ bắt đầu cảm nhận sự quyến rũ của dòng nhạc dân ca, có lẽ vì vậy nhiều bạn đã chuyển hướng. Nhưng hát dân ca rất khó. Muốn thể hiện một bài hát hoàn hảo phải có tâm hồn, phải cảm nhận được hồn quê, những bờ ao, gốc tre, những cánh đồng bát ngát… dù bạn đã từng hay chưa từng sống trong những khung cảnh như thế. Đó là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ca sĩ hát dân ca. Còn nếu các bạn hát dân ca chỉ vì thử sức, vì “trào lưu” thì… Đông Đào xin thua, không dám có ý kiến!
Ca sĩ Trung Hậu: Nhiều ca sĩ muốn hát nhạc dân ca nhưng không tự đánh giá được chất giọng của mình, hay biết mình không hợp vẫn cố hát bằng cách thay đổi tiết tấu, khiến cho ca khúc mất đi phần hồn sâu lắng, thiết tha. Khán giả chính là người đánh giá nghiêm khắc nhất giữa nghệ sĩ hát dân ca chuyên nghiệp với các ca sĩ khác.
360 Sài Gòn: Dường như khán giả của nhạc dân ca trầm tính quá nên ca sĩ hát nhạc này khó “nổi” và chịu nhiều thiệt thòi?
Ca sĩ Đông Đào: Dân ca là những cung điệu êm đềm sâu lắng, thiết tha, man mác… nên khán giả thường là người có tuổi. Họ có nhiều ký ức, đã trải qua nhiều thăng trầm nên khi nghe nhạc quê hương, họ như được thả hồn trong khung trời quá vãng. Nhạc dân ca luôn có những khán giả trung thành.
Ca sĩ Trung Hậu: Khán giả nhạc của dân ca không ít. Rất nhiều người khao khát nghe là khác! Ca sĩ hát dân ca rất tự hào về những khán giả của mình. Ai đã yêu thích nhạc dân ca thì không thể chỉ nghe một, hai lần là bỏ. Qua năm tháng, nhạc dân ca vẫn sống nguyên vẹn trong lòng công chúng.
360 Sài Gòn: Động lực nào đã giúp các nghệ sĩ theo đuổi được dòng nhạc dân ca cho tới ngày nay?
Ca sĩ Đông Đào: Đào trân trọng và đam mê hát nhạc dân ca, mong muốn truyền tải được tình cảm tới khán giả. Nhiều chương trình Đào hát không lấy tiền mà lòng rất vui. Theo Đông Đào, nhạc dân ca có rất nhiều người nghe - nhưng họ không ồn ào. Nếu không vì vậy, sao bây giờ nhiều ca sĩ nhạc trẻ chuyển sang hát dân ca?
Ca sĩ Trung Hậu: Nếu vì cát-xê, rất ít ca sĩ sống được với nghề. Ca sĩ hát vì niềm đam mê, vì mong muốn cống hiến, góp phần lưu giữ một loại hình nghệ thuật của nước nhà.
Kim Minh
Theo 360 Sai Gon
duoc tin nay mung qua va mong sao nhac Dan Ca khong bi mai mot boi tinh hinh kinh te hien nay cua nuoc nha.Cam on biet on va tri on./.
Trả lờiXóa