Ca sỹ - Diễn viên Trung Hậu

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Thương lắm Trường Sa

Trường Sa đã để lại trong lòng tôi thật nhiều ấn tượng. Đoàn công tác TPHCM vừa hoàn thành chuyến đi thăm và giao lưu trên quần đảo Trường Sa do đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, làm trưởng đoàn; phó đoàn là Phó Đô đốc Hải quân Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân. Chuyến đi đã để lại trong đoàn nhiều kỷ niệm khó quên.

Chúng tôi xuống tàu HQ 960 rời cảng, xuôi theo dòng sông Lòng Tàu qua Cần Giờ, Vũng Tàu rồi trực chỉ ra biển Đông. Thời tiết tốt, biển lặng, trời êm. Chúng tôi lên boong tàu hóng gió. Xung quanh là một màu xanh của biển trời, mênh mông gió và nước. Đêm xuống. Bầu trời đong đầy những ngôi sao lấp lánh. Nửa đêm tàu chạy ngang mỏ dầu Bạch Hổ, rọi chiếu trong đêm là một vùng ánh sáng rực rỡ, bên cạnh là một nhà giàn. Từ phía dàn khoan, một trái phá được bắn lên, bừng sáng, rồi rơi xuống vẽ thành một vòng cong để chào mừng đoàn.

Dọc hải trình, thỉnh thoảng một vài cơn mưa nhỏ thoáng qua. Tôi vào ca-bin ngồi trò chuyện cùng các chiến sĩ trẻ tổ lái tàu. Đây là chiếc tàu cứu hộ mang tên TITAN phiên hiệu HQ 960 của Lữ đoàn 125, chạy rất đằm. TITAN thường xông vào biển khơi, lướt sóng, lao vào cuồng phong sóng dữ để cứu nạn, cứu hộ. 

Sau 2 ngày 2 đêm vượt trùng dương, chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn vào sáng ngày 17-4. Tàu neo lại. Chúng tôi chuyển sang những chiếc thuyền, xuồng nhỏ trung chuyển vào bờ. Trường Sa Lớn là hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông, nằm ở phía Nam và là đảo lớn của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 254 hải lý.
Ở đây, bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo còn có các hộ dân, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng ở khu vực Biển Đông; nhà khách Thủ Đô (do Hà Nội xây tặng); tượng đài liệt sĩ; chùa Trường Sa Lớn…

Khi đêm xuống, chương trình biểu diễn của nhóm “văn công” trong đó có NSƯT Quỳnh Liên và những giọng ca trẻ: Nguyễn Phi Hùng, Trung Hậu, Khánh Hồng, Ngọc Giang, Bảo Phương, Hà Ngọc và hai giọng ca cổ Vũ Thanh Lâm và Hồng Thắm, nhận được sự cổ vũ rất nhiệt tình của rất đông các chiến sĩ và bà con trên đảo. Cả đoàn đã mở màn chương trình giao lưu bằng một bài hát tập thể Hành trình đến Trường Sa do tôi viết riêng cho đoàn công tác.
Bên cạnh các tiết mục nhạc trẻ sôi động, còn có nhiều ca khúc ngọt ngào chất dân ca Nam Bộ. Ấn tượng nhất là sau khi thổi hồn cho bài hát Nổi lửa lên em, NSƯT Quỳnh Liên đã bật khóc. Những giọt nước mắt đầy cảm xúc ấy còn tiếp trào dâng trong trái tim nghệ sĩ khi biểu diễn phục vụ những đảo kế tiếp. Cả đoàn ai nấy cũng có cùng một tâm trạng, tràn đầy tình thương yêu, mong muốn được sẻ chia với những khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần của người lính đảo. Các anh chỉ luôn nghĩ đến mọi người mà không nề hà về những thiếu thốn, gian khổ của mình.

Những ngày sau đó chúng tôi đến đảo Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài và An Bang. Riêng đảo chìm Đá Lát, đoàn bố trí nhóm văn công đến phục vụ từ ngày đầu.

Đến sáng 22-4, chúng tôi đến nhà giàn DK1/15 với tên gọi là trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ Phúc Nguyên 2. Bãi ngầm Phúc Nguyên là một bãi thoải không đều, nằm chìm dưới mực nước biển, điểm nhô lên cao nhất nằm cách mặt nước biển khoảng 18m, điểm nhô thấp nhất nằm sâu cách mặt nước tới 200m.
Trước đây, có nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên nhưng trong cơn bão số 8 vào lúc 3 giờ sáng một ngày giữa tháng 12-1998, nhà giàn đã bị đổ, hất tung 9 cán bộ chiến sĩ đang bám trụ xuống biển. Ba ngày sau, tàu HQ 606 đã cứu được 6 người, còn 3 chiến sĩ đã mãi mãi ở lại với biển khơi. Bây giờ nhà giàn mới DK1/15 Phúc Nguyên 2 đã được xây dựng trên bãi cạn Phúc Nguyên tiếp tục sứ mệnh lịch sử làm nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ nhà trạm và vùng biển, vùng trời được phân công.

Chuyến đi 9 ngày đến với Trường Sa đã để lại trong lòng mọi người biết bao cảm xúc và kỷ niệm, nhất là hiểu thêm về quần đảo Trường Sa, tuy xa mà gần. Và điều không chỉ mọi người mà kể cả tôi cũng ngạc nhiên là tôi đã viết 21 ca khúc trong chuyến đi này. Các bài hát đã được nhóm văn công tập và hát phục vụ ngay trong chuyến đi.
Những câu thơ chan chứa tình cảm của chị Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, đã được phổ nhạc: “Sóng và gió cùng anh/ Đã quyện thành làm một/Nên sức mạnh Việt Nam/Như chuyện tình huyền thoại/Biển ôm đảo vỗ về/Cất giùm anh nỗi nhớ. Thương lắm ơi Trường Sa!...” như chút sẻ chia của những người dân nơi đất liền gửi trao đến anh em chiến sĩ nơi đảo xa, chẳng quản gian khó, kiên trung giữ gìn biên cương Tổ quốc. 
Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN HIÊN
theo báo SGGP online
  http://www.sggp.org.vn/xahoi/2012/4/287292/


Hình ảnh các bạn xem tại đây :  Hình ảnh Trung Hậu chuyến đi Trường Sa 4/2012

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Trung Hậu Mừng Phật Đản 2012

* "Mừng Phật Đản 2012" năm nay Trung Hậu phối hợp với các Thầy tổ chức thực hiện Các chương trình ca nhạc Phật Giáo vào 3 ngày tại :

- Vào lúc 19 g Ngày 3/5/2012 (13/4 Nhâm Thìn AL) tại Chùa Vĩnh Tràng ( Di tích kiến trúc nghệ thuật) - Mỹ Tho - Tiền Giang. Gồm các ca sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng của TP.HCM tham gia.

- Vào lúc 19g Ngày 4/5/2012 (14/4 Nhâm Thìn al) tại Chùa Giác Nguyên - Hốc Môn - TP.HCM.

- Vào lúc 19g Ngày 5/5/2012 (15/4 Nhâm Thìn al) tại Chùa Hải Quang - Tân Bình (Gần chợ Phạm Văn Hai).

Ngoài các chương trình do Trung Hậu tổ chức thì Trung Hậu  tham gia các chương trình Văn Nghệ Phật Giáo tại các Chùa trong và ngoài TP từ hôm nay 26/4/2012 cho đến hết Ngày Mừng Phật Đản 2012.

* Dịp Lễ 30/4 và 01/5 - 2012 Trung Hậu diễn tại các điểm ca nhạc Mừng Lễ do Sở Văn Hóa và Công ty Tổ chức biểu diễn thực hiện.

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Lịch diễn và truyền hình cuối tháng 4 - Tháng 5

* Vào lúc 20g ngày 26/4/2012 Trung Hậu diễn chương trình ca nhạc tại Long Khánh, được trực tiếp truyền hình trên kênh Truyền hình Đông Nai 1.

* Vào lúc 20g Ngày 27/4/2012 Trung Hậu tham gia chương trình " Tây Nam Bộ - 10 năm thành tựu và phát triển" tại Cần Thơ. Được truyền hình trực tiếp VTV (VTV1, VTV2, VTV Cần Thơ, VTV9), HGTV, Đài PT-TH TP.Cần Thơ và nhiều đài trong khu vực.

* Vào lúc 19g30 ngày 30/4 TH diễn các chương trình Lễ 30/4 và 01/5 tại TP HCM.

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Phim "Tình Ca Cao" lên sóng HTV 9 - Trung Hậu

Lênh đênh phận người với Tình Ca Cao
- Bộ phim truyền hình dài 29 tập " Tình ca cao" sẽ dẫn đưa khán giả về miền kí ức đầy gian khó và tình người của người dân đồng bằng miền tây sông nước. Bộ phim còn cho chúng ta hiểu biết sâu sắc thêm về lịch sử phát triển của cây ca cao khi được người Pháp mang đến cho chúng ta.

Từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, theo bước chân nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài, cây ca cao được đưa vào trồng tượng trưng ở một số vùng đất thuộc tỉnh Bến Tre. Do khéo vận động nên từ đó nhiều bà con đã đốn đi những vườn dừa để trồng ca cao. Khi trái oằn sai trĩu cành thì phong trào Đồng Khởi nổi lên, không đơn vị, tổ chức nào đến thu mua cho nông dân theo lời hứa hẹn. Nhiều bà con nuốt hận đốn bỏ vườn ca cao, trong đó có Bà Năm Ngũ Quả còn được gọi là Bà Năm Trầu với lời thề coi ca cao như kẻ thù bất cộng đái thiêng.

Đó là câu chuyện của bà Năm Ngũ Quả, hay còn gọi là bà Năm Trầu, có lời thề coi ca cao như kẻ thù không đội trời chung. Nguyên nhân vì từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, cây ca cao theo bước chân nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đã đến VN và được trồng đại trà ở một số vùng đất tỉnh Bến Tre. Nhiều bà con - trong đó có bà Năm - đã tình nguyện chặt đi những vườn dừa để trồng ca cao. Ðến khi trái oằn sai trĩu cành thì phong trào Ðồng Khởi nổi lên. Không có một nơi nào đến để thu mua ca cao theo lời hứa hẹn. Vì thế người dân lại phải đốn bỏ...

Thế nhưng như duyên kiếp, ba mươi năm sau, hai người con (Ba Thắng, Tư Ngang) rồi đến cháu nội của bà là Quế Chi lại gắn bó với cây ca cao. Ba Thắng làm trưởng phòng hành chánh tổ chức, Tư Ngang làm phó giám đốc kỹ thuật và cô cháu gái Quế Chi làm giám đốc cho công ty nhà chuyên sản xuất thực phẩm bánh kẹo mà nguyên liệu chính là ca cao được trồng trong nước, do có dự án quốc gia tài trợ.

Khi nhân vật Minh Long - một người bạn của Quế Chi cũng tâm huyết với cây ca cao - xuất hiện, cuộc đời của bà Năm ngũ quả và bà nội của Minh Long (cô Tám Nhan sắc) lần lượt được mở ra. Quá khứ hiện tại đan xen. Những khổ đau, hờn giận hai mươi năm của hai người đàn bà gắn liền với hình ảnh người đàn ông đa tình. Trên chuyến du hành sông nước cùng nhóm bạn đờn ca tài tử dọc theo sông Tiền, sông Hậu, dù đã có vợ là bà Năm nhưng ông Năm đã kết tình với cô Tám Nhan sắc và cho ra đời hai người con ông đặt theo tên hai làn điệu bài bản cải lương: Cao Phi và Phụng Hoàng.

Thế nhưng không may là ông đã phải chết trẻ nơi đất khách quê người, để lại cho cô vợ nhỏ ít tài sản để nuôi con bằng nghề mở quán ăn với món đặc sản là cháo cá lóc giò heo. Kỷ niệm về ông là một cây ca cao duy nhất được ông đem từ Bến Tre qua trồng vô vườn nhà nằm phía sau quán...

Ðạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết dù đã quen thuộc với thể loại phim có dính dáng đến hình ảnh thời xa xưa, nhưngTình ca cao là một trong những bộ phim ông cùng đoàn phim phải làm việc vất vả nhất. "Ðoàn phim phải quay trong suốt năm tháng trời cho 29 tập phim. Chúng tôi phải rong ruổi từ Bến Tre, Tiền Giang, Ðức Hòa (Long An) rồi đến tận Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Phan Thiết để có thể quay cảnh có cây ca cao. Mặt khác bộ phim có dính dáng đến ca cổ, sông nước nên khi quay phim cũng cực hơn các phim thể loại tâm lý xã hội đương đại khác".

Cũng vì dính dáng đến đờn ca tài tử nên Tình ca cao quy tụ kha khá nghệ sĩ cải lương. Ðó là nam nghệ sĩ cải lương từng đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 2001 Lê Tứ. Anh có vai diễn truyền hình hợp với sở trường của mình: ông Năm ghi ta mê đờn ca tài tử. Nghệ sĩ ưu tú từng vang bóng một thời Tô Kim Hồng vào vai bà Tám Nhan sắc khi tuổi xế chiều có cuộc sống thăng trầm. Ca sĩ Trung Hậu vào vai cô Tám Nhan sắc thời trẻ. Ngoài ra phim còn có sự tham gia của nghệ sĩ Diễm Kiều, Mỹ Uyên, Nguyễn Sơn, Duyên Anh, Hoàng Phương, Thanh Hoàng, Cát Tường, Bảo Trí...

Bộ phim truyền hình 29 tập " Tình Ca Cao " . Đạo diễn : Hồ Ngọc Xum. Do Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh ( TFS) sản xuất.Lần này Trung Hậu vào vai Nhan (Cô Tám Nhan Sắc) thời trẻ ( Tô Kim Hồng vai thời lớn tuổi), một cô gái vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thời thập niên 1940 - 1950, nhan sắc và hát hay nhưng tình cảm thật truân chuyên.

PHÁT SÓNG TỪ NGÀY 10/4/2012 VÀO LÚC 17 GIỜ 30 Hằng ngày trên kênh HTV 9 Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh.