Ca sỹ - Diễn viên Trung Hậu

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

Tặng quà T.T Người Già & Tàn Tật

Vừa rồi Trung Hậu phát hành Album "Thiêng Liêng" và Trung Hậu sẻ để toàn bộ số tiền bán được đĩa CD cùng sự ủng hộ của vài người bạn vào chuyến thăm từ thiện. Dự kiến là vào sáng Ngày 27/9/2009 Trung Hậu thực hiện chuyến viếng thăm và tặng 400 phần quà cho các Cụ Già neo đơn & tàn tật tại Trung tâm nuôi dưỡng & bảo trợ Người Già & tàn tật Thạnh Lộc tại Quân 12 vì ở đây hiện nay có khoảng 382 Cụ già , bị liệt, bại não & tàn tật. Nếu bạn nào có lòng ủng hộ chuyến thăm thì liên lạc với Trung Hậu nhé ( LH: trunghausinger@yahoo.com ), Cám ơn các bạn đã quan tâm. Sau đây là thông tin về Trung Tâm dưỡng lão :

Không ít cụ đã sống nhiều năm trong trung tâm dưỡng lão mà người ta không biết các cụ tên gì. Các cụ cũng chẳng nhớ nổi tên mình nữa. Đành gọi các cụ bằng những cái tên chung chung là “cô Ba”, “chú Hai”.

  • Các cụ là ai?
Một ngày ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc Ảnh: Nguyễn Anh

Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) đang nuôi dưỡng 526 cụ già và người tàn tật. Trung tâm này nằm trong một xóm nghèo, vắng vẻ. Các cụ phần nhiều đã già, 82 cụ từ 60 đến 69 tuổi, 83 cụ từ 70 đến 79 tuổi, 83 cụ từ 80 đến 89 tuổi, đặc biệt có 10 cụ 90 đến 98 tuổi.

Chị Hạnh, nhân viên quản lý hồ sơ nói nhiều cụ vào đây mà trung tâm không xác định được quê quán, người thân. Có cụ tuổi cao trí nhớ giảm nên không còn nhớ nhưng cũng có cụ hình như không muốn nói thực. Ví dụ như ông cụ 98 tuổi - cao tuổi nhất của trung tâm mà chẳng ai biết quê cụ ở đâu. Lúc cụ bảo ở Đồng Nai, lúc lại bảo ở Sông Bé. Nghe giọng thì thấy cụ nói tiếng Bắc.

Ông Lê Công Hùng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc, giải thích: “Nguyên do một số cụ đi lang thang, tuổi cao sức yếu chẳng nhớ được tên họ của mình. Hồ sơ của bên công an không xác định được tên tuổi, quyết định của Sở Lao động - Thương binh xã hội gửi cho các cụ về đây cũng ghi là… vô danh”.

Việc xác định quê quán, địa chỉ, thân nhân, lý lịch của các cụ hết sức khó khăn. Nhân viên hồ sơ và chuyên viên tâm lý đã có nhiều biện pháp để trò chuyện, tâm tình, tìm hiểu nguyên nhân các cụ vào trung tâm dưỡng lão, tìm địa chỉ người thân các cụ. Nhưng nhiều trường hợp vẫn không đem lại kết quả. Với những cụ đã cung cấp thông tin, trung tâm cũng đánh công văn đến các địa phương để nhờ xác minh, tìm hiểu lai lịch, mong cho các cụ đoàn tụ với gia đình. Có khi hàng chục công văn gửi đi mới nhận được một vài thông tin về các cụ.

Một biện pháp khác là đăng ảnh các cụ lên báo. Không ít các tờ báo dành vị trí để đăng ảnh tìm kiếm người thân mang tính nhân đạo. Nhưng theo ông Hùng, tỷ lệ tìm kiếm thành công qua báo chí không nhiều. Trong 40 trường hợp đăng ảnh trên báo chỉ 3 trường hợp đã tìm ra thân nhân của họ. Thường đối tượng tìm kiếm thành công là những cụ đi lạc, quên đường về. Một số thì gia đình kinh tế khá giả hơn nên đang có ý đi tìm các cụ về.

Cán bộ nhân viên ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc cảm động kể lại chuyện gia đình một cụ rất mừng khi thấy ảnh cụ trên báo. Họ tìm đến trung tâm ngay. Người nhà và cụ ôm nhau òa lên khóc. Hóa ra cụ đi lạc, chẳng nhớ đường về. Người ta thấy cụ cứ lang thang ngoài đường nên đành gửi vào trung tâm.

  • Tấm lòng cho người đã khuất

Theo ông Lê Công Hùng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc thì hiện, tại đây còn 40 trường hợp các cụ ông, cụ bà vô danh. Ông Hùng nói: “Chúng tôi không thể đặt tên cho các cụ. Luật pháp không cho phép chúng tôi làm việc này. Đạo đức cũng không cho phép chúng tôi nghĩ ra những cái tên và gán cho các cụ. Vì vậy, chúng tôi đành bằng lòng với việc gọi các cụ là cô Ba, chú Hai, thế thôi”.

Năm 2006 có 70 cụ qua đời, năm 2007 có 58 cụ cũng tạ thế ở đây. Nhiều người đến lúc nhắm mắt vẫn thuộc diện vô danh.

Nhờ có sự giúp đỡ của các công ty mai táng nên toàn bộ việc lo hậu sự, hỏa táng chỉ gói gọn trong số tiền 3 triệu đồng/trường hợp. Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc đã xây dựng một nhà tang lễ ngay trong khuôn viên trung tâm, hiện lưu trữ hơn 300 hộp cốt, trong đó có nhiều trường hợp cốt vô danh.
Những người già trong trại dưỡng lão không lạ gì cảnh buồn, cô đơn. Mỗi cái tết, chỉ khoảng vài chục cụ ở trung tâm được gia đình đón về quê ăn tết mà thôi.

Theo ông Hùng, Giám đốc trung tâm: “Mỗi khi các cụ qua đời, chúng tôi lại thông báo cho toàn thể trung tâm vào nhà tang lễ thắp cho người đã khuất một cây nhang. Ngày giỗ của từng người thì không có. Hàng tháng chỉ thắp hương hoa chung cho tất cả linh hồn các cụ”.

Nơi ở và sinh hoạt của Trại Nam

Các Cụ Ông

Rất cám ơn những tấm lòng nhân ái đã quan tâm giúp đỡ và các bạn đã ủng hộ Album Thiêng Liêng.

* Vì có sự thay đổi nên nhân dịp "Quốc Tế Người Cao Tuổi" Vào lúc 8 giờ sáng ngày 01/10/2009 Trung Hậu sẻ đến thăm và tặng 400 phần quà cho các cụ tại Địa điểm trên.

Không có nhận xét nào: