Theo đuổi và trung thành với phong cách hát nhạc dân ca, nhạc nhẹ Việt Nam, ca sĩ Trung Hậu còn là một Phật tử, thường xuất hiện trong những chương trình văn nghệ Phật giáo. Chị luôn khám phá, thể nghiệm Phật pháp tinh tế, một mình tìm lấy những rung động nghệ thuật để phát huy đạo lý của Đức Phật và văn hoá dân tộc. Phóng viên Phattuvietnam.net đã có cuộc trò chuyện cùng chị về quan niệm sống của người nghệ sĩ trong cuộc đời…
Nhờ tin Phật nên cuộc sống vững chãi .
PV: Chị luôn muốn đóng góp vào âm nhạc đương đại Phật giáo Việt Nam những phong cách và sáng tạo mới, hơi thở mới. Là người nhiệt thành hát những bài ca Phật giáo tặng khán giả khắp nơi, chị có thấy mệt mỏi không?
- Ca sĩ Trung Hậu: Chẳng những không thấy mệt mỏi mà Trung Hậu còn cảm thấy rất phấn khởi mỗi khi được mời tham gia vào những ca khúc Phật giáo mới.
- Ca sĩ Trung Hậu: Chẳng những không thấy mệt mỏi mà Trung Hậu còn cảm thấy rất phấn khởi mỗi khi được mời tham gia vào những ca khúc Phật giáo mới.
PV: Đôi khi phải lâu, rất lâu người ta mới đánh giá được những gì chị cống hiến trong âm nhạc, dường như sự tự tin vào đức Phật và bản thân mình, đã giúp chị vượt qua được những khó khăn trong nghề nghiệp và của dư luận?
-TH: Đức Phật là đấng thiêng liêng, là niềm tin mà mỗi khi găp những muộn phiền hay đau khổ Trung Hậu luôn tìm đến. Nhờ ân đức của Ngài và nương theo giáo pháp để chuyển hóa những phiền muộn và khổ đau trong cuộc sống. Cũng chính nhờ đó mà Trung Hậu có được sự vững chãi trên con đường nghệ thuật mà Trung Hậu đã và đang đi…
PV: Thành bại được mất là do chính suy nghĩ, lời nói và hành động của mình quyết định, tính cách tạo nên số phận, có bao giờ chị nghĩ, nếu bớt sống bản năng hơn, suy nghĩ và hành động tích cực hơn thì cuộc sống của chị cũng sẽ đỡ chông gai vất vả hơn phải không?
-TH: Những gì Trung Hậu đã làm và có hôm nay là tất cả công sức của mình và do mình tự quyết định lấy thì dù có thành hay bại, buồn vui hay đau khổ thì mình cũng chấp nhận vì là lẽ thường tình, đó là thử thách của cuộc sống và luật nhân quả. Trung Hậu nghĩ trong cuộc sống, mình có vài lần vấp ngã,đi lên từ chông gai thì mình mới hiểu được hương vị cuộc sống, những điều này đã giúp mình lớn lên mà vững vàng bước tiếp con đường dài phía trước và trong cuộc sống nếu mình biết đủ thì nó sẽ đủ, không biết đủ thì dù ở cõi Trời cũng vẫn bất mãn. Phật dạy:“Biết đủ thì nghèo mà giàu, không biết đủ thì giàu mà nghèo.”
Hướng về phía trước sẽ đến đích
PV: Là một người phụ nữ hoạt động nghệ thuật nổi tiếng, có khi nào chị rơi vào tình trạng muốn ngã lòng không muốn tiếp tục con đường của mình, có lúc lại hạnh phúc và không thể thay thế được?
-TH: Con đường nghệ thuật cũng lắm nẻo chông gai khi bước đi bằng chính đôi chân của mình, giữ vững lập trường hướng đi mình đã chọn không phải là chuyện dễ. Giữa bộn bề của cuộc sống và nghệ thuật có rất nhiều điều, đôi khi làm Trung Hậu cảm thấy mệt mỏi nhưng chưa bao giờ Hậu có ý định từ bỏ hay gục ngã trước những khó khăn gian nan mà Trung Hậu càng cố gắng hơn để vượt qua những sóng gió và thử thách, vì theo trong kinh sách Phật dạy những gì mình có và nhận hôm nay đều có nhân quả riêng của nó. Muốn có thành quả tốt không thể không có sự cố gắng miệt mài!
PV: Trong trường hợp khó khăn nhất, chị làm gì ?
-TH: Trung Hậu luôn có niềm tin vào Phật pháp nhiệm mầu, mỗi khi gặp những điều làm tâm mình dậy sóng, Trung Hậu đều hướng về Tam bảo để lòng mình thanh thản hơn.
PV: Và những lúc như thế, chị có tìm được người có thể chia sẻ với chị mọi chuyện không?
- TH: Có những điều mình chia sẽ nhưng cũng có những điều giữ lại để làm nhật ký riêng của lòng mình.
PV: Một hình ảnh người nghệ sĩ giàu lòng nhân ái, thăng hoa trong sự nghiệp ca sĩ – diễn viên của chính mình, có đúng với chị?
Trung Hậu là người sống thiêng về tình cảm, còn về hình ảnh và sự thăng hoa của Trung Hậu như thế nào thì Trung Hậu xin nhường sự đánh giá và câu trả lời ở phía khán giả…
PV: Đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên khắp nước Việt Nam, và được xem là “người chị mẫu mực” của làng nhạc nhẹ dân ca Việt Nam, chị nghĩ như thế nào về âm nhạc Phật giáo?
- TH: Nói đến tín ngưỡng văn hóa Phật giáo thì Việt Nam có Phật giáo là tôn giáo đi vào lòng dân tộc, Phật giáo Viêt Nam mang nét đặc trưng của tôn giáo bản xứ. Hầu hết người VN đều theo đạo Phật và ngày nay, nền âm nhạc Phật giáo đóng góp rất nhiều vào việc dìu dắt những người mộ đạo hiểu biết và quan tâm hơn đến đời sống khổ đau hạnh phúc, đưa chúng sinh đến gần hơn với Phật pháp. Và cũng nhờ có âm nhạc Phật giáo mà chúng ta ngộ ra được cuộc sống là vô thường, nâng cao tình đồng loại. Tuy vậy, nếu muốn âm nhạc Phật giáo phát triển mạnh mẽ phổ biến hơn thì cần phải có những nhạc sĩ hiểu sâu về giáo lý Phật pháp để cho ra đời những tinh hoa nghệ thuật và kể cả phần hòa âm hay thể hiện cũng cần phải tuyệt vời mới thuyết phục và nâng thẩm mỹ âm nhạc lên cao.
Do vậy, với Trung Hậu, mặc dù bận rộn với nhiều việc nhưng nếu các chùa và quý thầy trợ duyên cho Trung Hậu hỗ trợ nghệ thuật thì Trung Hậu rất hoan hỉ nhận lời dù chùa xa hay gần. Đối với Trung Hậu, được làm Phật sự là một vinh dự rất lớn và ý nghĩa để Trung Hậu có cơ hội tạo duyên lành với Tam bảo và mọi người.
PV: Chị kỳ vọng điều gì ở gia đình và bạn bè của mình?
- TH: Cầu mong cho tất cả được hạnh phúc bình yên, sớm quay về bờ giác và sống trong niềm an lạc. Mong mọi người hãy cùng nhau góp sức đưa âm nhạc Phật giáo đi lên ngày càng vững mạnh, và tình đạo đời của chúng ta luôn giữ trọn vẹn.
PV: Một câu hỏi cuối, đích đến của chị là gì, sau những đam mê mà chị đang làm việc hăng say?
- TH : Sống luôn có ích cho xã hội,gia đình và bản thân, cống hiến hết mình vì nghệ thuật và nguyện là Phật tử trung thành của Phật.
PV: Cảm ơn chị và chúc chị luôn an lạc, tự tin, tiến bước mạnh mẽ trên con đường của mình, trong hạnh phúc gia đình cũng như trong sự nghiệp phụng hiến văn hoá Phật giáo Việt Nam và nước nhà.
Hải Châu
Theo Báo Giác Ngộ và Phật Tử Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét