Ca sỹ - Diễn viên Trung Hậu

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Ca sĩ, diễn viên Trung Hậu: Sáng vai với những vai phụ nữ thuần Nam Bộ…

Tối 15.3, Trung Hậu tham gia chương trình truyền hình trực tiếp của ĐTH Bình Thuận, nên cả tuần suốt từ ngày 8.3, ngoài một hai tối diễn, chị miệt mài luyện hai bài "Hương sắc miền Nam" và "Bình Thuận đất ấm tình người". Gặp chị đúng ngày 8.3, Trung Hậu mỉm cười hạnh phúc: "Quà của con gái 4 tuổi là cành hoa giấy các cô dạy làm ở trường để tặng mẹ nhân ngày 8.3"

"Trông chị bây giờ thật nhiều thảnh thơi, vẻ đã rất hài lòng với cuộc sống?". Trung Hậu mỉm cười dịu dàng: "Tôi ít bạn tâm giao. Ngày trước, khi buồn là buồn dữ lắm. Bởi nếu đã từng đắng lòng, ai chẳng cũng có những phút lắng lòng… Nhưng dù có tận cùng buồn thì cũng sẽ tìm ra được cách giải quyết…". "Ví dụ trong làm nghề, chị làm gì khi thấy bí nghề?" "Trong ca hát hay diễn xuất, cũng có những khoảnh khắc tôi gặp khó khăn, nhất là khi đóng phim, gặp vai mới na ná như vai cũ. Tôi nghĩ lung lắm, chia sẻ với chồng, đồng nghiệp, làm cách gì để thoát khỏi hình ảnh nhân vật cũ đã từng đóng…".

Năm 20 tuổi, Trung Hậu có vai đầu tiên trong phim truyền hình "Bình minh châu thổ" của đạo diễn Châu Huế. Tham gia hơn chục phim, vai dữ dằn nhất của Trung Hậu cũng chỉ tới mức là cô con dâu đỏng đảnh trong phim "Chuyện quý bà", phần lớn các vai của chị đều là phụ nữ Nam Bộ chân chất sống cách nay ít nhất nửa thế kỷ. "Có lẽ bởi các đạo diễn thấy tôi hội đủ yêu cầu cho vai phụ nữ xưa-khuôn mặt, phong thái, tính cách…, nên mời chăng?", Trung Hậu mỉm cười. Trong "Tình ca cao" (đạo diễn Hồ Ngọc Xum) - một cô đào thời trẻ nhiều nhan sắc, tài hoa, trong "Mắt bướm" (đạo diễn Phạm Ngọc Châu) cũng là vai một cô đào hát, phải giả nam - từ cách đi đứng, nói năng cho ra vẻ một nam nhi, biết múa thương, ca ra bộ, tuồng cổ… Trong "Đồng quê" (đạo diễn Phương Nam, TFS sản xuất) là một "Nữ chủ" - một nữ tướng cướp oai phong, nghĩa hiệp vùng Cà Mau những năm năm mươi thế kỷ trước, đứng đầu một băng toàn đàn ông nghĩa khí chuyên lấy của người giàu chia cho người nghèo, biết giành lại những gì đã bị cướp mất… Trong "Lòng dạ đàn bà" dựa theo tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh - là vợ một thương nhân giàu lòng nhân ái, nuôi dạy, thương con người như con mình…

Khán giả vốn quen mắt với nhiều phim truyền hình về thời nay, xem phim kể chuyện ngày xưa, hay nóng ruột vì cách kể hơi rề rà, lại còn thoại nhiều từ đệm phương ngữ Tây Nam Bộ "vậy đa", "phải vậy đa", bèn lên tiếng góp ý nên sửa thoại cho hợp… thời. Trung Hậu mỉm cười: "Đóng vai người xưa, học thoại phải rất kỹ lưỡng, theo đúng nguyên văn. Người xưa, nhứt là phụ nữ, nói năng từ tốn, không bộp chộp. Một vài phim đề tài xưa, hay có những trường đoạn về ngày xưa, như một sự đổi vị dễ thương giữa những dòng phim chật những ồn ào vấn đề nay…"

Mê đóng phim tới mấy, Trung Hậu vẫn "chung tình" với nghiệp cầm ca, dòng nhạc trữ tình của mình. Vào blog của chị, có thể nghe nghe giọng hát rất ngọt bài "Chuyến đò quê hương" - một bài hát làm nên thương hiệu Trung Hậu lâu nay. Trưởng thành từ một ca sĩ của Quân khu 7 - đoàn văn công Hội Cựu chiến binh sư đoàn 330, mười mấy năm ca hát, Trung Hậu đã có trong tay gần chục album. "Tôi rất thích nghe giọng hát của NSND Thu Hiền, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, Trung Hậu nói - Tôi có thể hát suốt ngày, những bài ca về quê hương đất nước. Thi thoảng, "phá cách", hát rap, vài câu là chiều lòng cô con gái nhỏ". Vào khoảng giữa năm nay, dự án âm nhạc mong chờ nhất của Trung Hậu là một album nhạc trữ tình do công ty giải trí Trung Hậu sản xuất, phát hành. Còn phim, thì như chị hy vọng, ba phim mới sẽ được khán giả đón nhận.

Thùy Ân

Theo Báo "Lao Động cuối tuần"

Không có nhận xét nào: